Giáo hoàng Giáo_hoàng_Phaolô_VI

Bầu cử

Năm 1963, cuộc bầu Giáo hoàng diễn ra giữa lúc Công đồng Vatican II còn nhóm họp. Lần này, người ta lại hướng về Tổng Giám mục Montini thành Milan. Montini được quan niệm là nhà lãnh đạo lý tưởng để hướng dẫn Giáo hội qua những thay đổi nội bộ.

Lần họp bầu này số Hồng y đã tăng thêm nhiều, tất cả gồm 80 vị và các vị đại diện cho nhiều quốc gia, số Hồng y người Ý đã giảm xuống trông thấy. Sau 3 ngày Cơ Mật viện họp bầu, ngày 21 tháng 6 năm 1963, Hồng y Montini đã được chọn làm Giáo hoàng với tông hiệu là 'Phaolô VI'.

Ngay ngày hôm sau, Tân Giáo hoàng đọc điện văn Urbi et Orbi gửi toàn thể thế giới, như một tuyên ngôn, bày tỏ cảm tưởng, đường lối và chương trình của triều đại là tiếp tục đại công đồng, phục vụ công lý và hòa bình thế giới, xúc tiến việc hiệp nhất Kitô hữu. Ông cũng tuyên bố với các hồng y đang tụ họp trong nhà nguyện Sistine: "phần quan trọng nhất triều giáo hoàng của ta sẽ dành cho việc tiếp tục công đồng đại kết Vatican II mà mắt của tất cả mọi người có thiện ý đều quay nhìn đến".

Ông đăng quang ngày 30 tháng 6 và bắt tay ngay vào việc trấn an dư luận bằng cách duy trì tính đơn sơ của "giáo hoàng Gioan tốt lành".

Tiếp tục công đồng

Phaolô VI tiếp tục công đồng Vaticanô II

Ông xác định những mong muốn của ông đối với công đồng Vatican II: "Hôm nay, từ vinh quang này cấu tạo toàn bộ một chương trình. Công đồng đại kết, mọi người đều biết, đã làm cho từ đó trở thành của mình, quy tụ trong đó những mục tiêu cải cách và đổi mới. Đừng nhìn thấy trong mục tiêu này được kèm theo những biểu hiện cao nhất và đặc trưng nhất của đời sống giáo hội, sự uốn cong vô ý thức nhưng có hại về chủ nghĩa thực dụng và khuynh hướng hiếu động của thời đại chúng ta mà hy sinh đời sống nội tâm và sự chiêm niệm là những điều phải có vị trí thứ nhất trong thanh các giá trị tôn giáo của chúng ta".

Ngày 14.9, ông ban huấn dụ Cum proximus về việc cầu nguyện và hãm mình đền tội, để công đồng đạt kết quả tốt đẹp. Cũng ngày ấy, ông triệu tập các nghị phụ và chỉ định 4 hồng y làm đại diện điều hành các công việc của công đồng.

Khóa II công đồng khai mạc ngày 29.9.1963 bằng một thánh lễ và bài diễn văn, ông nhắc lại mục đích triệu tập Công đồng là Giáo hội muốn nhìn vào dung nhan Chúa Giê-su; nếu nhận thấy một vết nhơ, một khuyết điểm trên khuôn mặt hay trên chiếc áo cưới của mình, thì sẽ nhất định can đảm và cố gắng tẩy gội để trở nên giống thật gương mẫu của mình là Chúa Kitô.

Cũng trong bài diễn văn này, ông lên tiếng cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa và của những anh em "bất hòa", vì những lầm lỗi của Giáo hội Roma trong việc chia rẽ Kitô giáo. Ngày 4.12, ông công bố hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng vụ thánh) và sắc lệnh Inter mirifica (Phương tiện truyền thông xã hội), sau đó, ông đọc diễn văn bế mạc khóa II.

Ngày 25.1.1964, Giáo hoàng Phaolô VI ký tự sắc Sacram Liturgiam, quyết định những thể thức đầu tiên áp dụng hiến chế về phụng vụ, và dạy phải thi hành từ mùa chay năm 1964. Cũng năm ấy, ông công bố thông điệp đầu tiên của mình – thông điệp Ecclesiam Stuam - Giáo hoàng Phaolô VI đã nói về bản chất thực sự của Giáo hội, trình bày chiều hướng của công đồng là tự ý thức về mình, tự cải thiện và đối thoại với thế giới hiện đại.

Kỳ họp III của công đồng Vatican II khai mạc ngày 14-9-1964. Sau hơn hai tháng tranh luận, ngày 20.11 ngày công bố sắc lệnh Unitatis Redintegratio (Hiệp nhất Kitô hữu) và ngày 21 trước khi bế mạc khóa III, ông công bố thêm Hiến Chế tín lý Lumen Gentium (Giáo hội) và sắc lệnh Orientalium Ecclesiarum (Các giáo hội công giáo Đông Phương); đồng thời ông công bố: "Maria là Mẹ Giáo hội".

Năm 1965, trong kỳ họp thứ IV (từ 14-9 đến 8-12-1965) tất cả các bản văn còn lại được công bố gồm Hiến Chế Mạc Khải và Hiến Chế Giáo hội giữa thế giới; sáu sắc lệnh: Nhiệm vụ các Giám mục, Đời sống Linh mục, Canh tân Dòng tu, Tông đồ giáo dân, Hoạt động truyền giáo và Truyền thông xã hội, và ba tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, Liên lạc các tôn giáo, và về Tự do Tôn giáo.

Công đồng bế mạc ngày 8-12-1965 sau bốn năm làm việc, đã hoàn thành được 16 bản văn (04 Hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn).

"Trong đại hội toàn cầu này, trong thời gian và không gian đặc ân này, quá khứ, hiện tại và tương lai như quy tụ lại. Quá khứ: vì ở đây, tụ họp ở địa điểm này, chúng ta có Giáo hội của Ðức Kitô với truyền thống, lịch sử, các Công Ðồng, các tiến sĩ và các thánh của Giáo hội; hiện tại: chúng ta đang từ giã nhau để đi vào thế giới ngày nay với những bất hạnh, đau khổ, tội lỗi của nó, nhưng cũng có những thành công, giá trị và đức tính của nó; và tương lai ở đây trong lời kêu gọi khẩn trương của những người dân trên thế giới muốn được công bình hơn, trong ý muốn hòa bình, trong khát khao có ý thức hay vô thức về một đời sống cao đẹp hơn, một đời sống mà Giáo hội của Ðức Kitô có thể đem lại và muốn trao ban cho họ; (trích từ diễn văn bế mạc Công Ðồng Vatican II của Giáo hoàng Phaolô VI).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giáo_hoàng_Phaolô_VI http://www.brainyquote.com/quotes/authors/p/a13088... http://www.catholic-pages.com/dir/paul6_docs.asp http://www.ewtn.com/library/Theology/WOJTLAHV.HTM http://www.intratext.com/Catalogo/Autori/AUT288.HT... http://www.youtube.com/watch?v=0L8z8yKn930 http://www.youtube.com/watch?v=li6OPaZLeMo http://www.youtube.com/watch?v=uIztLx4ZG8A http://www.documentacatholicaomnia.eu/01_01_1963-1... http://conggiao.info/duc-thanh-cha-chuan-y-an-tuye... http://www.goodmorals.org/smith6.htm